Jetstar Pacific: Hạng phổ thông – Đà Nẵng (DAD) đi TP.HCM (SGN)

Thời điểm giữa đến gần cuối tháng 1 là khoảng thời gian được xem là ‘thấp điểm’ du lịch, do đó giá vé tương đối tốt. Đây cũng chính là lý do tôi chọn thời điểm này để thực hiện chuyến đi Đà Nẵng.

Sân bay Đà Nẵng hiện đang là sân bay lớn nhất khu vực miền Trung cả về lượng hành khách và chuyến bay. Hiện nay mỗi ngày có hàng chục chuyến bay giữa Đà Nẵng và Tp.Hồ Chí Minh khai thác bởi cả ba hãng Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và VietJet Air. Tôi chọn Jetstar Pacific (BL) vì có thời gian hợp với kế hoạch của mình hơn. Bên cạnh đó BL cũng có giá vé tương đối rẻ nhất trong các sự lựa chọn, chuyến bay tôi chọn có tổng giá vé sau thuế là 559.000đ, đã bao gồm phí thanh toán.

Ngày bay của tôi là 23/01, có thể xem đây là thời điểm bắt đầu đợt “cao điểm Tết Nguyên Đán” của các hãng hàng không. Trừ Vietnam Airlines có đội ngũ tàu bay khá hùng mạnh, thì cả VietJet Air lẫn Jetstar Pacific đều liên hệ với các hãng hàng không khác nhằm thuê thêm tàu bay để tăng cường cho đợt cao điểm này. Tôi đã khá may mắn khi chuyến bay của tôi sẽ bay cùng tàu bay được BL thuê ướt từ một hãng hàng không châu Âu – Vueling*.

Máy bay của tôi cho chuyến bay này, Vueling Airbus A320 - Ảnh: Long Ethan.
Tàu bay của tôi cho chuyến bay này, Vueling Airbus A320 – Ảnh: Long Ethan.

*Vueling Airlines là hãng hàng không giá rẻ và là hãng hàng không lớn thứ nhì Tây Ban Nha. Với hơn 100 điểm đến trải rộng khắp châu Âu, châu Á, châu Phi, cùng với đó là hơn lượng phủ ghế hơn 80%.

Số đăng bạ EC-LZF - Ảnh: Long Ethan.
Tàu bay mang số đăng bạ EC-LZF, MSN 5940, tàu bay vừa tròn 2 năm tuổi – Ảnh: Long Ethan.
Gần hơn với động cơ IAE V2527-A5 của tàu bay - Ảnh: Long Ethan.
Gần hơn với động cơ IAE V2527-A5 của tàu bay – Ảnh: Long Ethan.

Tàu bay của tôi lần này là Airbus A320-232 có Sharklets, số đăng bạ EC-LZF mới chỉ 2 năm tuổi. Chuyến bay của tôi có giờ khởi hành theo lịch là 19h15, khi đến sân bay tôi mới thấy thông báo là chuyến đã bị delay đến 20h40, sau đó là 20h55 vì lý do khá quen thuộc “máy bay xuống muộn”. Tôi đoán chuyến bay của mình đã bị delay ‘dây chuyền’. Các hãng hàng không giá rẻ (LCC) thường rút ngắn khoảng thời gian xoay vòng ở các sân bay để tăng tối đa thời gian khai thác, do đó khi một tàu bay thực hiện đến chục chuyến bay mỗi ngày, việc delay dây chuyền là khó tránh khỏi. Tôi hiểu rất rõ các LCC nên đã chuẩn bị tâm lý cho điều này. Chỉ có điều tôi đã đăng ký dịch vụ thông báo lịch bay và thay đổi hành trình qua SMS của BL nhưng không nhận được bất kỳ thông báo nào về việc khởi hành muộn, một điểm trừ cho BL.

Chuẩn bị lên máy bay - Ảnh: Long Ethan.
Chuẩn bị boarding – Ảnh: Long Ethan.

Tuy giờ khởi hành là 20h55, nhưng đến 21h tôi mới thực sự bắt đầu boarding. Một hình ảnh khá lạ mắt, tôi được chị tiếp viên người Tây Ban Nha đứng đợi và chào ở cửa. Do đây là tàu bay được “thuê ướt – wet lease”, thuê tàu sẽ kèm với thuê cả phi hành đoàn bao gồm cả phi công và tiếp viên. Phi hành đoàn Tây Ban Nha được một tiếp viên người Việt của BL đi cùng với nhiệm vụ chính là phiên dịch, đọc lại các thông báo bằng tiếng Việt cũng như làm trung gian giữa tiếp viên và hành khách.

Cabin của EC-LZF - Ảnh: Long Ethan.Cabin của EC-LZF – Ảnh: Long Ethan.

Phi hành đoàn người Tây Ban Nha - Ảnh: Long Ethan.
Phi hành đoàn người Tây Ban Nha – Ảnh: Long Ethan.

Ghế nệm da khá thoải mái, khoảng rộng chân có thể nói là tương đối tuyệt vời với một hãng hàng không giá rẻ. Túi  ghế phía trước nằm ở phía trên đầu ghế chứ không phải ở dưới ngang chân như đa số các tàu bay ở Việt Nam, trên chuyến bay tôi đã vô tình nghe một số hành khách phàn nàn về điều này.

Legroom khá ổn với một người tương tối to con như tôi - Ảnh: Long Ethan.
Legroom khá ổn với một người tương tối to con như tôi – Ảnh: Long Ethan.
Túi ghế phía trước đặt phía trên cùng với Safety Card phiên bản đặc biệt. Tiếng Tây Ban Nha làm chủ đạo, tiếng Việt là ngôn ngữ thứ 3 - Ảnh: Long Ethan.
Túi ghế phía trước đặt phía trên cùng với Safety Card phiên bản đặc biệt. Tiếng Tây Ban Nha làm chủ đạo, tiếng Việt là ngôn ngữ thứ 3 – Ảnh: Long Ethan.

Tôi ngồi xuống ghế lúc 21h05 nhưng đến 21h30 tàu bay mới chính thức lăn bánh dù việc boarding, đếm hành khách và đóng cửa diễn ra khá nhanh. Trong lúc này cơ trưởng đã làm tổng cộng đến 3 lần phát ngôn với cùng nội dung là “xin lỗi hành khách vì sự chậm trễ, vì lý do khai thác, mật độ hoạt động cao tại Tân Sơn Nhất, …”, một điểm cộng khá lớn đối với BL. Mất khoảng 20 phút nữa, tàu bay đã bắt đầu tăng tốc ở đường băng, hướng về sân bay Tân Sơn Nhất.

Bắt đầu đẩy lùi, bên cạnh là hai bạn A321 Vietnam Airlines - Ảnh: Long Ethan.
Bắt đầu đẩy lùi, bên cạnh là hai bạn A321 Vietnam Airlines – Ảnh: Long Ethan.

Thời điểm này thời tiết tương đối không thuận lợi, lúc cất cánh tại Đà Nẵng có mưa nhẹ và gió rất lớn. Phải mất đến hơn 30 phút sàng lắc, “vào ổ voi ra ổ gà”, tàu mới thoát khỏi hoàn toàn vùng nhiễu động để vào giai đoạn cruising (bay bằng). Lúc này cũng là lúc phi hành đoàn bắt đầu bán đồ ăn và nước uống cho các hành khách có nhu cầu.

 - Ảnh: Long Ethan.
Suất ăn nóng của Jetstar Pacific – Ảnh: Long Ethan.

Tôi chọn cho mình món “Cơm chiên thập cẩm” với giá 50.000đ, đây cũng là sự lựa chọn duy nhất trên chuyến bay này. Suất cơm được mang ra bởi tiếp viên người Tây Ban Nha rất thân thiện, cơm nóng cầm muốn phỏng cả tay, cô tiếp viên cũng không quên nhắc tôi “Be careful, it’s very hot” (Cẩn thận, nó rất nóng). Tôi cảm ơn và rất hài lòng về thái độ phục vụ của tiếp viên nước ngoài này. Cơm rất hấp dẫn, nóng và khá ngon. Chỉ mong rằng lần sau tôi sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn vì các món khác trong menu cũng ‘ngon mắt’ không kém.
 - Ảnh: Long Ethan.Nhìn khá hấp dẫn và hương vị cũng cực kỳ ngon – Ảnh: Long Ethan.

Vừa ăn xong cũng là lúc phi công làm thêm một phát ngôn về mực bay, khoảng cách còn lại cũng như thời tiết tại điểm đến. Và một lần nữa, phi công xin lỗi về sự chậm trễ. Phi công nói rất nhiều nhưng bạn tiếp viên Việt Nam đi cùng chỉ dịch đúng câu “… còn 20 phút nữa là đến Tân Sơn Nhất, cám ơn quý khách đã chọn và sử dụng Jetstar Pacific.” ^^

Shot ảnh vu vơ khi đang cruising, Vueling x Jetstar - Ảnh: Long Ethan.
Shot ảnh vu vơ khi đang cruising, Vueling x Jetstar – Ảnh: Long Ethan.

Chuyến bay hạ cánh an toàn và nhẹ nhàng tại Tân Sơn Nhất sau xấp xỉ một giờ bay. Khi đang lăn vào bãi, tàu bay phải dừng chờ thêm khoảng 10 phút trên sân do kẹt bãi đỗ. Một phát ngôn nữa được thực hiện để giải thích lý do tàu bay bị dừng lại. Phải nói rằng tôi rất thích phi hành đoàn Tây Ban Nha lần này, rất chu đáo, tận tụy và… chăm xin lỗi khách.

Không quên ủng hộ một món quà lưu niệm xinh xắn. Chiếc máy bay mini có giá 30.000đ được Jetstar bán trên máy bay - Ảnh: Long Ethan.
Không quên ủng hộ cho BL một món quà lưu niệm xinh xắn. Chiếc máy bay mini được BL bán trên máy bay – Ảnh: Long Ethan.

Ngoài việc bị cất cánh muộn, tôi cảm thấy rất hài lòng. Tuy rằng việc trễ chuyến là không thể tránh khỏi và là điều không hề mong muốn với các LCC, nhất là các chuyến về chiều tối, nhưng với nhiều hành khách, họ vẫn tỏ ra khá khó chịu và mệt mỏi. Mong rằng trong tương lai, không chỉ riêng BL mà tất cả các hãng hàng không của Việt Nam đều có thể giảm chỉ số trễ chuyến xuống nhằm phục vụ hành khách tốt hơn, hiệu quả hơn.


***Chúng tôi đánh giá chuyến bay như thế nào? Xem các tiêu chí mà Yêu Máy Bay đánh giá trải nghiệm chuyến bay.

Nhận xét bài viết

bình luận

Add a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *