Chung một liên minh (2): Ngôi sao Star Alliance
|Tiếp tục loạt bài “Chung một liên minh”, lần này mời cả nhà cùng với team Yêu Máy Bay ngắm và tìm hiểu về liên minh hàng không Star Alliance nhé !
Máy bay của All Nippon Airways dưới màu áo ‘Star Alliance’ cất cánh trên bầu trời TP.HCM – Ảnh: Đỗ Gia Huy
Star Alliance (SA) được thành lập từ ngày 14-5-1997. Đến nay SA đã có tổng cộng 27 hãng hàng không thành viên, mang đến một đội bay khổng lồ hơn 4.657 chiếc. Với 18.500 chuyến bay cất cánh mỗi ngày, phục vụ hơn 1.300 điểm đến, các thành viên của Star Alliance đưa hành khách đến 192 quốc gia khắp các châu lục trên toàn thế giới.
Airbus A340 của Turkish Airlines tại Tân Sơn Nhất – Ảnh: Travip
Cũng như các liên minh hàng không lớn khác, Star Alliance cũng có chương trình khách hàng thường xuyên, mang một số quyền lợi cho hành khách như được ưu tiên lên máy bay, nâng cấp hạng ghế, tăng lượng hành lý ký gửi, sử dụng phòng chờ hạng thương gia,…
Ẩn mình trong đêm – Ảnh: Long Ethan
Ngày 14-5-1997, năm hãng hàng không gồm Scandinavian Airlines, Thai Airways, Air Cananda, Lufthansa và United Airlines đã cũng đi đến thỏa thuận và công bố thành lập liên minh hàng không Star Alliance với slogan “The Airline Network for Earth” (Mạng lưới hàng không của Trái Đất). Liên minh sử dụng biểu trưng ngôi sao 5 cánh, tượng trưng cho 5 hãng hàng không thành lập và biểu trưng này vẫn còn được sử dụng đến ngày nay.
Thai Airways, một trong năm hãng thành lập nên Star Alliance – Ảnh: Đỗ Gia Huy, Long Ethan
Cũng trong năm 1997, Varig Airlines – hãng hàng không hiện nay đã phá sản của Brazil – gia nhập Star Alliance, giúp mở rộng mạng bay của liên minh đến khu vực Nam Mỹ. Sau đó mạng bay tiếp tục được mở rộng nhờ sự gia nhập hai hãng ở khu vực châu Đại Dương là Ansett Australia và Air New Zealand. Cho đến thời điểm này, Star Alliance đã có mạng bay tới 720 điểm đến trải rộng khắp 110 quốc gia. Năm 1999, hãng hàng không châu Á thứ hai gia nhập SA là ANA – All Nippon Airways.
ANA Boeing 767 hạ cánh tại Tân Sơn Nhất – Ảnh: Đỗ Gia HuyMột máy bay Boeing 767 khác của ANA tại ‘sân nhà’ Tokyo Narita – Ảnh: Đỗ Trần Huy
Vào đầu những năm 2000, rất nhiều hãng hàng không gia nhập Star Alliance. Đầu tiên là Austrian Airlines Group (bao gồm Austrian Airlines, Tyrolean Airlines và Lauda Air), tiếp đến là Singapore Airlines, BMI – British Midland International và Mexicana Airlines cùng gia nhập SA, đưa tổng số thành viên lên con số 13. Đến năm 2003, số thành viên được tăng lên với 4 hãng mới gia nhập là Asiana Airlines, Spanair, LOT Polish Airlines và US Airways.
Tuy nhiên Mexicana Airlines rút khỏi Star Alliance vì không đạt được thỏa thuận code share cùng United Airlines – một trong năm hãng thành lập. Vào cuối năm 2003, Adria Airlines, Blue1 và Croatia Airlines gia nhập Star Alliance.
Asiana Airlines, một trong số các hãng thành viên của Star Alliance bay đến cả Hà Nội và TP.HCM – Ảnh: Dũng Nguyễn, Hoàng Hà.
Chiếc Boeing 777-200ER 9V-SRI của Singapore Airlines chụp tại Nội Bài – Ảnh: Dũng Nguyễn
Năm 2006, với sự gia nhập của TAP Portugal (Bồ Đào Nha), lần đầu tiên Star Alliance có mạng bay vươn đến châu Phi. Sau đó, South African Airways trở thành hãng hàng không thành viên đầu tiên của SA tại Châu Phi. Cũng trong năm 2006, Swiss International Airlines gia nhập Star Alliance, tăng tổng số thành viên lên con số 22.
Năm 2007 là kỷ niệm 10 năm thành lập Star Alliance. Tổng cộng các hãng hàng không thành viên đã có hơn 850 điểm đến tại 155 quốc gia, phục vụ hơn 406 triệu hành khách mỗi năm với khoảng 16.000 chuyến bay cất cánh mỗi ngày. Trong năm 2007, Varig trong quá trình xây dựng lại và thành lập hãng mới đã rời khỏi liên minh Star Alliance. Sau đó hai hãng hàng không của Trung Quốc là Air China và Shanghai Airlines gia nhập liên minh, trở thành các hãng đầu tiên của quốc gia đông dân nhất thế giới này tham gia vào Star Alliance nhưng rời liên minh năm 2010.
Tàu bay của ANA chuẩn bị cho một chuyến bay đêm – Ảnh: Tuấn Đỗ
Năm 2008, Turkish Airlines chính thức được gia nhập Star Alliance sau tận 15 tháng “làm thủ tục”. Kế đến là Egypt Air, giúp châu Phi có hãng hàng không thứ 2 gia nhập liên minh này. Đến tháng 10-2009, Continental Airlines trở thành hãng hàng không thành viên thứ 25 của Star Alliance sau khi rời khỏi liên minh hàng không Skyteam. Hai tháng sau đó, Brussels Airlines cũng chính thức gia nhập SA.
Airbus A340 của Turkish Airlines đang hạ cánh – Ảnh: Đậu Tiến Đạt
Giữa năm 2010, TAM Airlines và Aegean Airlines gia nhập Star Alliance giúp mở rộng thêm mạng bay của liên minh tại châu Phi và Nam Mỹ. Đến tháng 9-2010, Ethiopian Airlines trở thành hãng hàng không thành viên thứ 30 của Star Alliance. Ít tuần sau đó, Shanghai Airlines rời liên minh để ghép hãng với China Eastern Airlines, thành viên của liên minh Skyteam. Trong năm 2010, Star Alliance đã bay đến 1.172 sân bay tại 181 quốc gia với hơn 21.000 chuyến bay cất cánh mỗi ngày.
Khoảng thời gian kế tiếp khá hỗn loạn với Star Alliance. Đầu tiên là Spanair rời liên minh do hãng ngừng hoạt động, kế đến là Continental Airlines ghép hãng với United Airlines, khiến Continental không thể tiếp tục đồng hành cùng Star Alliance. BMI cũng rời liên minh vì được mua lại bởi IAG – International Airlines Group – công ty mẹ của hai hãng thuộc liên minh hàng không OneWorld. Blue1 cũng không còn là thành viên của Star Alliance do trở thành công ty con của Scandinavian Airlines. Trong thời điểm này, một số hãng mới gia nhập vào Star Alliance gồm TACA Airlines, Copa Airlines và Shenzen Airlines.
Chiếc Boeing 777-300ER của Eva Air đang hạ cánh tại Tân Sơn Nhất – Ảnh: Đỗ Gia Huy
“Lấp ló” – Ảnh: Đỗ Gia Huy
Trong năm 2013, TAM Airlines tuyên bố rời liên minh do ghép với hãng LAN Airlines để tạo nên LATAM Airlines Group. Tuy nhiên với sự tham gia của Eva Air cùng Avianca, Star Alliance trở thành liên minh hàng không lớn nhất trong ba liên minh lớn vào thời điểm ấy. Đến năm 2014, sau khi TAM, US Airways và American Airlines rời liên minh, Avianca Brazil và cuối cùng là Air India gia nhập vào liên minh, chốt lại tổng số thành viên của Star Alliance đến thời điểm hiện tại là 27 hãng hàng không.
Tàu bay Airbus A320 của Air India với màu sớn Star Alliance tại sân bay Gaya, Ấn Độ – Ảnh: TravipAir India, thành viên mới nhất của Star Alliance – Ảnh: Travip
Các hãng hàng không thành viên:
Sau đây là tất cả 27 hãng hàng không thành viên được xếp theo châu lục.
Châu Á: Thai Airways, All Nippon Airways, Asiana Airlines, Singapore Airlines, Eva Air, Air India, Air China, Shenzen Airlines
Châu Âu: Lufthansa, Scandinavian Airlines, Austrian Airlines, LOT Polish Airlines, Croatia Airlines, Adria Airways, TAP Portugal, Swiss International Airlines, Turkish Airlines, Brussels Airlines, Aegean Airlines
Châu Mỹ: United Airlines, Avianca, Copa Airlines, Air Canada.
Châu Phi: Egypt Air, South African Airways.
Châu Úc: Air New Zealand.
Biểu trưng và màu sơn:
Đa phần các hãng thuộc Star Alliance sẽ sơn một hoặc nhiều máy bay của họ thành màu sơn chung của Star Alliance. Màu sơn của SA thường là màu trắng trên toàn bộ thân của máy bay với dòng chữ “STAR ALLIANCE” chạy dọc trên thân, cùng với đó là biểu trưng của hãng nằm ở đầu máy bay. Đuôi máy bay được sơn màu đen trên đó có biểu trưng 5 cánh của Star Alliance. Có một ngoại lệ duy nhất là phần đuôi trắng được sơn trên màu sơn Star Alliance của Singapore Airlines. Asiana Airlines là hãng hàng không đầu tiên có máy bay mang màu sơn đặc biệt của Star Alliance.
Đối với các máy bay với màu sơn thường của các hãng, ở phần mũi sẽ mang một logo 5 cánh nhỏ ở khu vực giữa kính buồng lái và cửa lên máy bay đầu tiên.
Hình ảnh màu sơn đầy đủ của Star Alliance với dòng chữ chạy dọc thân và logo sao 5 cánh ở đuôi – Ảnh: Dũng Nguyễn
Logo hãng thường được đặt ở phần đầu máy bay, bên dưới dòng chữ ‘Star Alliance’ – Ảnh: Long Ethan
Ngoại lệ của Singapore Airlines với tên hãng nằm phía trên, cánh đuôi vẫn mang logo của hãng – Ảnh: Dũng Nguyễn
Thêm một ngoại lệ của Singapore Airlines với đuôi trắng thay vì đuôi đen như các hãng – Ảnh: Long Ethan
Trong số các hãng thuộc liên minh hàng không Star Alliance, một số hãng đang có đường bay đến Việt Nam bao gồm 6 hãng hàng không châu Á là Thai Airways, All Nippon Airways, Asiana Airlines, Singapore Airlines, Eva Air, Air China và hãng hàng không châu Âu, Turkish Airlines.
Mời cả nhà ngắm nhìn thêm hình ảnh các máy bay Star Alliance. Cám ơn anh Lộc Vũ Nguyễn và bạn Nguyễn Hoàng Hà đã cho phép Yêu Máy Bay sử dụng những hình ảnh tuyệt vời.
Hàng độc Boeing 747-400 “Star Alliance” của Thai Airways cất cánh tại Bangkok – Ảnh: Lộc Vũ Nguyễn
Hạ cánh Tân Sơn Nhất – Ảnh: Long Ethan
Một góc Nội Bài – Ảnh: Dũng Nguyễn
Góc rộng – Ảnh: Đỗ Trần HuyBốc đầu, cất cánh – Ảnh: Đậu Tiến Đạt
Sải cánh – Ảnh: Long Ethan.
_____
XEM THÊM:
Một số hình ảnh khác về tàu bay của các hãng thuộc Star Alliance trong màu áo bình thường của chính hãng:
Aegean Airlines tại sân bay Pulkovo, Saint Petersburg, Nga. Ảnh: Travip.
Egypt Air tại sân bay Cairo. Ảnh: Travip.
Boeing 747 của Lufthansa tại sân bay Washington Dulles, Mỹ. Ảnh: Đỗ Gia Huy.
Boeing 767 của Austrian Airlines tại sân bay Washington Dulles. Ảnh: Đỗ Gia Huy.
Airbus A340 của South African Airways tại sân bay Washington Dulles. Ảnh: Đỗ Gia Huy.
United Airlines tại Changi, Singapore. Ảnh: Travip.
LOT Polish Airlines trên bầu trời TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Đậu Tiến Đạt.
Ethiopian Airlines tại sân bay Kuala Lumpur. Ảnh: Travip.
Swiss International Air Lines tại Changi – Ảnh: Long Ethan
Cám ơn cả nhà đã đọc và hẹn gặp lại trong phần 3 của loạt bài ‘Chung một liên minh’ với liên minh hàng không OneWorld nhé.
Mời cả nhà xem lại phần một của loạt bài ‘Chung một liên minh: Những tàu bay Skyteam’ tại đây.