Bay thông chặng với AirAsia từ Brunei đi Bali

Sau gần 2 ngày khám phá quốc gia nhỏ nhất khu vực Đông Nam Á, mình quay lại sân bay quốc tế Brunei để đáp chuyến bay của AirAsia tới đảo Bali ở Indonesia.

Hành trình từ Brunei tới Bali của mình sẽ gồm 2 chuyến bay đều của hãng hàng không giá rẻ AirAsia, với 1 điểm quá cảnh tại Kuala Lumpur. Mặc dù hơi mất thời gian di chuyển nhưng chi phí cho 2 chuyến bay rẻ hơn nhiều so với chuyến bay thẳng giữa 2 điểm.

Chặng 1: Brunei (BWN) – Kuala Lumpur (KUL). Hãng: AirAsia Malaysia. Chuyến bay: AK279

Chuyến bay dự kiến khởi hành lúc 16 giờ 10 nhưng từ hơn 13 giờ mình đã có mặt tại sân bay quốc tế Brunei. Mình có thói quen ra sân bay sớm để chủ động trong việc làm thủ tục và cũng để tranh thủ khám phá các sân bay, nhất là khi có dịp bay tới các sân bay nước ngoài.

 Đường dẫn lên khu vực ga đi

Sân bay quốc tế Brunei là sân bay chính của Brunei, nằm tại thủ đô Banda Seri Begawan, phục vụ chủ yếu hãng hàng không quốc gia Royal Brunei Air và một vài hãng hàng không quốc tế như AirAsia, Cebu Pacific, Malaysia Airlines, Singapore Airlines.

Bên trong khu vực ga đi sân bay BWN

Nhà ga hiện tại được hoàn thành năm 2014. Nhà ga có 4 đảo làm thủ tục được đánh chữ cái lần lượt A-B-C-D. Trong đó, đảo A-B dành riêng cho Royal Brunei Air, đảo C-D dành cho các hãng nước ngoài.

Các chuyến bay của AirAsia làm thủ tục tại đảo D

Mỗi ngày, hãng AirAsia có 2 chuyến bay giữa Kuala Lumpur và Brunei, một chuyến vào buổi sáng và một chuyến vào buổi chiều. Chuyến bay này cũng chính là lần đầu tiên mình bay cùng hãng hàng không AirAsia. Và mình thực sự háo hức được trải nghiệm dịch vụ của hãng hàng không giá rẻ hàng đầu thế giới.

Hướng dẫn trước khu vực làm thủ tục

Mặc dù đã check-in online trước nhưng mình vẫn ra quầy làm thủ tục để kiểm tra hành lý xách tay và đổi thẻ lên tàu bay. Chuyến này vé của mình được làm thủ tục thông chặng cho tới điểm cuối hành trình là Denpasar (Bali) nên mình nhận luôn 2 boarding pass, tới KLIA2 chỉ việc tìm cửa ra cho chuyến bay tiếp theo.

Việc kiểm tra trọng lượng hành lý xách tay được AirAsia thực hiện rất nghiêm ngặt tại sân bay Brunei. Sau khi kiểm tra tại quầy check-in, hãng sẽ kiểm tra một lẫn nữa tại cửa ra máy bay.

Khu vực quầy thủ tục của hãng chủ nhà Royal Brunei Air. Bên cạnh các quầy thủ tục thông thường còn có khu vực làm thủ tục dành cho khách cao cấp, nhìn rất sang trọng. Đúng là “hàng không hoàng gia”. À hoàng gia Brunei có một nhà ga riêng nhé các bạn, giống VIP A Nội Bài ấy!

Sau khi hoàn thành các thủ tục kiểm tra an ninh và xuất cảnh, mình đi vào khu vực cách ly…

Biển chỉ dẫn tới các khu chức năng như cửa ra máy bay, phòng chờ VIP và cả phòng cầu nguyện

Nhà ga sân bay Brunei có diện tích không lớn và các dịch vụ bên trong cũng không có nhiều. Không gian bên trong khiến mình có cảm giác ấm cúng, yên bình giống như đất nước này vây.

Mặc dù là sân bay chính của đất nước, sân bay Brunei cũng chỉ đón vài chục chuyến bay thường lệ đến và đi mỗi ngày. Bên cạnh đó, các chuyến bay thường đến theo từng đợt nên bình thường khung cảnh cũng khá vắng lặng.

Phòng chờ cho chuyến bay của AirAsia nằm ở bên cánh phải, phía cuối của nhà ga

Như đã nói ở trên, hãng thực hiện cân lại hành lý xách tay của bạn tại cửa khởi hành

Qua ứng dụng theo dõi chuyến bay trên smartphone, mình được biết chuyến bay của AirAsia đến từ Kuala Lumpur đã khởi hành trễ hơn 1 tiếng, do vậy chuyến về của mình ít nhất cũng sẽ khởi hành trễ một khoảng thời gian tương tự. Mặc dù vậy, tới giờ boarding như dự định hãng vẫn gọi hành khách có mặt tại cửa khởi hành và thực hiện ngay việc kiểm tra thẻ lên tàu. Việc này theo mình là cần thiết vì ngay khi chuyến bay trước hạ cánh và hành khách xuống máy bay thì hành khách của chuyến bay tiếp theo cũng được xếp hàng lên máy bay theo từng zone. Rất rõ ràng và khoa học! Thời gian quay vòng giữa các chuyến bay được giảm tới mức tối đa.

Tàu bay của mình hôm nay, phi cơ 9M-AJY mang màu sơn cũ của AirAsia

Sau khoảng 25 phút, tàu bay tiếp tục lăn ra đường băng cho chuyến bay về Kuala Lumpur

Taxi ngang qua nhà ga hàng hóa của sân bay. Bên trái là nhà ga VIP, phục vụ các chuyên cơ và chuyến bay của hoàng gia.

Nghiêng cánh tạm biệt sân bay quốc tế Brunei…

…và tạm biệt đất liền Brunei

Quay trở lại với trải nghiệm đầu tiên cùng AirAsia. Lúc check-in online mình may mắn được xếp chỗ ngồi khá đẹp. Mình ngồi ghế 11A là ghế bên trái có cửa sổ lại ngay chỗ động cơ. Đối với dân chụp ảnh hàng không thì đây là vị trí ngồi rất đẹp.

Combo menu mới Santan và tạp chí trên chuyến bay của AirAsia

Ngay sau khi tàu bay ổn định độ cao, các tiếp viên bắt đầu quá trình phục vụ hành khách bận rộn trong suốt chuyến bay dài 2 tiếng đồng hồ

Đầu tiên là phát suất ăn nóng cho các hành khách đã đặt trước qua mạng, trong đó có mình….

Mình đặt trước món satay gà nổi tiếng của Malaysia cho bữa xế. Trước khi phát đồ ăn, tiếp viên sẽ đối chiếu danh sách và boarding pass của bạn, sau đó đóng dấu mộc lên boarding pass để xác nhận đã đưa đồ ăn cho khách. Quy trình hết sức chuẩn mực, nhanh gọn và chính xác.

Suất ăn có thêm đồ uống miễn phí, mình lựa chọn uống cafe cho tỉnh táo vì còn bay đến tận nửa đêm

Món satay gà gồm xiên gà nướng ăn cùng hành tây và khoai, chấm với nước sốt (nằm trong hộp tròn bên phải), ăn có vị khá ngọt.

Sau bữa ăn xế, mình tranh thủ nghỉ ngơi, đọc sách và ngắm hoàng hôn đang dần phai…

Máy bay hạ cánh lúc khoảng 7h30 tối giờ Malaysia, trễ gần 1 tiếng so với lịch ban đầu. Bầu trời lúc này vẫn chưa tối hẳn.

Thời gian quá cảnh tại KLIA2 của mình dự định là hơn 3 tiếng nên dù chuyến trước đến chậm thì mình cũng không lo lắng lắm. Tuy nhiên, dự định khám phá phòng chờ Plaza Premium Lounge tại nhà ga KLIA2 đã bị “phá sản” một phần vì không có đủ thời gian, bên cạnh đó phòng chờ này lại nằm ở zone khác của nhà ga, không cùng zone với chuyến bay tiếp theo mà vào mỗi zone đều phải kiểm tra an ninh lại nên mình đành từ bỏ.

Chặng 2: Kuala Lumpur (KUL) – Denpasar (DPS). Hãng: Indonesia AirAsia X. Chuyến bay: XT555

Lần đầu tiên bay cùng AirAsia nên tất nhiên đây là lần đầu mình bay qua sân bay KLIA2. Ấn tượng ban đầu là không gian bên trong nhìn khá hiện đại và đầy đủ tiện nghi, không hề giống nhà ga dành riêng cho hàng không giá rẻ.

Ấn tượng thứ hai là view chụp ảnh máy bay tuyệt vời từ trên cầu vượt skybridge. Ban đêm nên mình chỉ chụp vội vài tấm trên đường ra cửa khởi hành mới. Hi vọng lần tới sẽ có dịp bay tới đây vào ban ngày để chụp nhiều hơn.

Chuyến bay đi Denpasar mình bay bằng tàu bay A320 của Indonesia AirAsia X (mã IATA là XT). Mặc dù là liên doanh chuyên bay đường dài của AirAsia X tại Indonesia nhưng hãng này cũng khai thác một số tàu bay A320. Các chuyến bay của Indonesia AirAsia thì mang mã hiệu QZ.

Tàu bay A320 của Indonesia AirAsia X mình bay hôm nay mang số đăng bạ PK-AZA, vừa hạ cánh từ Denpasar.

Tàu bay được trang trí với các hình vẽ ngộ nghĩnh quảng cáo cho PLAYTAGG, một công ty game của Singapore. Bên ngoài thân tàu bay cũng được sơn với màu sơn đặc biệt này.

Xem thêm video về quá trình sơn màu sơn đặc biệt này tại đây

Chuyến bay này mình vẫn đặt suất ăn nóng và đây cũng là bữa ăn tối của mình luôn. Hic!

Một ngày ăn toàn gà

Sau gần 2 tiếng rưỡi bay, máy bay hạ cánh xuống sân bay quốc tế Ngurah Gai tại thành phố Denpasar, thủ phủ đảo Bali khi đồng hồ đã chuyển qua ngày mới.

Hoàn tất các thủ tục nhập cảnh, mình di chuyển lên ga đi sân bay để đón xe Uber về khách sạn tại Ubud, vùng núi nằm ở trung tâm đảo Bali, cách Denpasar khoảng gần 3 tiếng chạy xe.

Nhận xét bài viết

bình luận