Emirates – Ngôi sao hàng không Trung Đông
|Vài ngày vừa qua, Emirates (EK) vừa “cho nghỉ hưu” máy bay Airbus số đăng bạ A6-EAK, chiếc A330 bắt đầu phục vụ cho EK từ năm 2002, bay xấp xỉ 60.000 giờ với hơn 45 triệu dặm trong 14.5 năm. Và đây cũng là chiếc cuối cùng trong số 29 chiếc A330 của Emirates chính thức được cho nghỉ hưu trong thời gian gần đây. Cùng với A6-EAK, chiếc A340 cuối cùng là A6-ERN cũng được Emirates đưa ra khỏi đội bay của mình.
Với bộ đôi A330 và A340 cuối cùng ngưng phục vụ, đội bay của Emirates giờ đây sẽ chỉ còn 2 dòng máy bay chính, Boeing 777 và siêu máy bay chở khách Airbus A380. Với độ tuổi trung bình là 5.2 năm, EK nằm trong danh sách các hãng hàng không lớn có đội bay trẻ nhất toàn cầu.
Emirates là hãng hàng không thuộc các Tiểu Vương quốc Ả-Rập Thống Nhất (UAE), trụ sở chính được đặt tại Dubai, UAE. Đây là hãng hàng không lớn nhất khu vực Trung Đông, phục vụ hơn 3.600 chuyến bay mỗi tuần khởi hành từ hub chính thức và duy nhất của hãng, sân bay quốc tế Dubai – đến hơn 154 thành phố, 81 quốc gia trên khắp 6 châu lục.
Emirates là hãng hàng không lớn thứ 4 thế giới dựa trên số lượng hành khách vận chuyển và quãng đường bay, đứng thứ 4 thế giới về lượng hành khách quốc tế, thứ 2 thế giới về lượng hãng hóa vận chuyển (bằng Emirates SkyCargo), và hiện đang phục vụ đường bay dài nhất thế giới từ Dubai đi Auckland, New Zealand.
*Xem them về các đường bay thương mại dài nhất thế giới hiện nay.
Chạm đất tại Sân bay Quốc tế Nội Bài, Hà Nội – Ảnh: Việt Dũng
Hiện tại Emirates là một trong số ít các hãng có đội bay toàn bộ là máy bay thân rộng với 85 chiếc A380 và 160 chiếc Boeing 777 các loại. Riêng trong toàn bộ năm 2016, Emirates sẽ nhận tổng cộng 36 máy bay, 20 máy bay A380 và 16 máy bay Boeing 777. Trong tương lai, Emirates còn đang đặt hàng 234 máy bay mới trị giá hơn 112 tỷ Đô, trong đó có 150 chiếc Boeing 777X thế hệ mới sẽ bắt đầu giao hàng từ năm 2020.
Lịch sử hình thành và phát triển:
Về lịch sử, những năm giữa thập niên 80, Gulf Air bắt đầu cắt giảm các chuyến bay đến Dubai, kết quả là hãng hàng không Emirates chính thức được ra đời vào tháng 3-1985 để phục vụ nhu cầu đi và đến Dubai. Pakistan Airlines International vào lúc đó đóng vai trò cốt lõi trong quá trình hình thành Emirates khi cung cấp các hỗ trợ về mặt kỹ thuật, quản lý, cũng như cho thuê hai máy bay, một chiếc Boeing 737-300 mới và một chiếc Airbus A300B4. Đội bay của Hoàng Gia Dubai (Dubai Royal Air Wing) cũng cung cấp cho EK hai máy bay Boeing 737-200 đã qua sử dụng. Đến ngày 25-10-1985, chuyến bay đầu tiên của Emirates đã cất cánh từ Dubai đi Karachi.
Đến những năm đầu của thập niên 90, Emirates thuộc vào hàng những hãng hàng không phát triển nhanh nhất thế giới với lợi nhuận hàng năm ước tính 100 triệu USD. Đến năm 1995, EK đã bay đến hơn 30 quốc gia và đến năm 1996, hãng bắt đầu nhận những chiếc Boeing 777-200 đầu tiên, loại máy bay ‘lao động chính’ cho Emirates đến tận ngày nay.
Qua những năm 2001-2002, năm khủng hoảng của ngành hàng không thế giới, khởi đầu là vụ đánh bom sân bay Colombo và không lâu sau đó là sự kiện chấn động 11-9, Emirates cũng gặp rất nhiều khó khăn. Những năm tháng lợi nhuận cao biến mất khi lượng khách giảm mạnh, hãng buộc phải giảm tần suất bay đến nhiều nơi, dừng tiếp nhận nhân sự mới, tuy vậy đã không có cắt giảm nhân sự xảy ra.
Trong cái rủi lại có cái may, những sự kiện này lại một phần nào đó có lợi cho EK khi chính các hãng hàng không khác cũng giảm chuyến bay đến Dubai, giúp giảm sự cạnh tranh trên thị trường.
Sau khoảng thời gian này hãng phát triển mạnh trở lại. Emirates liên tiếp ký các hợp đồng mua máy lớn, đầu tiên là mua 23 chiếc và thuê 2 chiếc Airbus A380 vào năm 2003; đặt hàng 42 chiếc Boeing 777 các loại vào năm 2005 với thêm 12 chiếc vào năm 2007, 30 chiếc vào năm 2009 và 50 chiếc nữa vào năm 2011. Chính vì sự phát triển mạnh mẽ này mà Emirates vấp phải sự dè bỉu lớn đến từ các hãng hàng không khác như Lufthansa hay Air Canada. Hai hãng này đã liên tiếp gây áp lực cho chính phủ của hai nước này giới hạn mức độ ảnh hưởng của EK lên thị trường hàng không của họ. Tiêu biểu là việc Canada chỉ cho phép EK bay đến Toronto, tương tự với trường hợp không được phép mở đường bay đến Stuttgart và Berlin của Đức.
Đến nay, Emirates hiện đang bay đến 142 điểm đến tại 76 quốc gia (cùng 16 điểm đến riêng của Emirates SkyCargo) với hơn 56.000 nhân viên trên toàn cầu (tính đến năm 2015).
Hiện nay Emirates phục vụ 2 đường bay đến Việt Nam. Một chuyến bay thẳng từ Dubai đến Tp.HCM và một chuyến từ Dubai đến Hà Nội có điểm dừng tại Yangon, Myanmar.
Tại sân bay Quốc tế Dubai, Emirates ban đầu ‘độc chiếm’ Terminal 3 khi nhà ga này được xây dành riêng cho Emirates và bắt đầu khai thác từ cuối năm 2008. Dubai Airport Terminal 3 hiện nay là nhà ga lớn nhất thế giới và cũng là tòa nhà ga có diện tích sàn lớn thứ nhì thế giới với diện tích 1,73 triệu m2. Đến năm 2012, khi Emirates chính thức hợp tác với Qantas, Qantas trở thành hãng thứ 2 và hãng duy nhất ngoại trừ Emirates được phép khai thác tại terminal lớn nhất thế giới này.
Một góc ‘toàn Emirates’ tại sân bay Dubai – Ảnh: Travip
Logo và thương hiệu:
Với concept khá đơn giản, trên thân máy bay màu trắng, logo của Emirates bao gồm lá cờ của UAE được cách điệu, cùng với dòng chữ ‘Emirates’ trên thân máy bay bằng cả tiếng Anh và tiếng Ả-Rập, cuối cùng là logo của Emirates theo phong cách thư pháp Ả Rập được sơn lên động cơ của máy bay. Từ khi thành lập hãng năm 1985, Emirates chỉ thực hiện thay đổi logo 1 lần duy nhất vào năm 1990 với việc cách điệu lại phần lá cờ đang bay của UAE ở đuôi, dòng chữ ‘Emirates’ bằng tiếng Anh được làm to hơn và đưa về phía mũi máy bay, ngoài ra dòng chữ Emirates còn được sơn thêm ở phần dưới bụng của máy bay.
Đội bay:
Emirates có đội bay toàn bộ là máy bay thân rộng chủ yếu thuộc hai dòng máy bay đó là Airbus A380 và Boeing 777. Tổng số lượng máy bay của Emirates tính đến thời điểm này là 243 chiếc trong đó bao gồm 85 máy bay Airbus A380, 10 máy bay Boeing 777-200LR, 9 máy bay Boeing 777-300 và 125 máy bay Boeing 777-300ER. Số lượng còn lại 15 máy bay chở hàng bao gồm 13 máy bay Boeing 777F và 2 máy bay Boeing 747-400ERF.
Emirates hiện là hãng hàng không sử dụng nhiều A380 và Boeing 777 nhất thế giới với thời gian bay của mỗi máy bay trung bình 13.7 giờ mỗi ngày, một trong những con số lớn nhất trong ngành hàng không.
Dưới đây là một số hình ảnh của Emirates được chụp bởi các thành viên của Yêu Máy Bay.
Máy bay A380 của EK đang hạ cánh tại Changi, Singapore – Ảnh: Đậu Tiến Đạt
A380 đang được đẩy lùi, chuẩn bị cất cánh tại Dubai – Ảnh: Travip