United Airlines: Hạng phổ thông – Washington DC (IAD) đi Chicago (ORD)
|Thời tiết tại thủ đô Washington D.C tầm tháng 9 mát mẻ và dễ chịu. Sau khi tham quan một vài địa danh nổi tiếng ở nơi đây, mình kết thúc hành trình 4 ngày bờ đông Hoa Kỳ từ New York tới Washington D.C để đến với Chicago, thành phố đông dân thứ 3 của Hoa Kỳ và cũng là trụ sở chính của United Airlines. United Airlines (UA) là hãng mình sử dụng trên chặng bay này, đây là chặng nối 2 điểm trung chuyển (hub) lớn nhất của UA.
***Video trải nghiệm chuyến bay ở cuối bài
Mặt tiền sân bay quốc tế Dulles, thủ đô Washington D.C. Ảnh: Đỗ Gia Huy
Từ trung tâm thủ đô Washington D.C đi đến sân bay quốc tế Dulles khá xa (42km) nên đoàn mình tá túc tại khách sạn ở gần khu vực sân bay (cách sân bay tầm 10 phút đi xe) cho thuận tiện việc di chuyển.
Sảnh làm thủ tục. Ảnh: Đỗ Gia Huy
Là một trong những sân bay bận rộn của Hoa Kỳ, nhưng do có thiết kế thoáng nên cũng có cảm giác thoải mái hơn, khác với khu vực nhà ga số 1 của United tại sân bay Chicago O’hare khá tù túng và chật chội.
Khu vực làm thủ tục theo nhóm. Ảnh: Đỗ Gia Huy
Do chuyến này mình đăng ký từ một công ty du lịch nên được ghép chung với đoàn làm thủ tục tại quầy thủ tục theo nhóm (Group check-in) kiểu truyền thống. Thông thường đến với các sân bay của Hoa Kỳ, bạn phải làm thủ tục lên tàu bay từ các quầy check-in bằng máy (các kiosk) rồi mới tới ra các quầy truyền thống để gửi hành lý (nếu có).
Với United Airlines, bay các chặng bay nội địa của Hoa Kỳ bạn chỉ được miễn phí 2 kiện xách tay (1 carry-on bag và 1 personal item) không giới hạn trọng lượng nhưng giới hạn kích thước. Còn hành lý kí gửi sẽ tính phí. Mình chỉ vác theo 1 balo với 1 vali cỡ nhỏ nên không cần gửi mà xách tay luôn để không mất thêm chi phí.
Hoạt động giao dịch tại một số quầy check-in và quầy dịch vụ của các hãng hàng không đều sử dụng thẻ tín dụng và không sử dụng tiền mặt cho việc thanh toán, nên khi đến các sân bay nội địa cũng như quốc tế của Hoa Kỳ, bạn phải mang theo thẻ tín dụng để tiện cho việc thanh toán, tránh gặp rắc rối đặc biệt khi trả tiền hành lý ký gửi cũng như nâng hạng ghế (nếu có nhu cầu).
Sau khi xếp hàng chờ kiểm tra an ninh (rất lâu, rất mệt và có “đội quân tinh nhuệ K-9” (chó nghiệp vụ) sẵn sàng liếm bạn bất cứ lúc nào) mình ra xe “chuyên chở đặc biệt” để chuyển từ nhà ga chính sang nhà ga của United (khu vực D). Trong lúc đi trên xe, mình tranh thủ chụp vài kiểu.
Khu vực ổ cắm điện đặc trưng của UA. Ảnh: Đỗ Gia Huy
Với tất cả sân bay của Hoa Kỳ, bạn nên chuẩn bị ổ cắm 2 chân dẹt hoặc 2 chân dẹt 1 chân tròn nếu muốn sạc pin điện thoại cũng như các thiết bị điện tử khác. Nếu chưa có, vẫn có thể mua tại các quầy điện tử của sân bay. Riêng với ổ cắm của United thì có cả 2 cổng cắm USB để sạc, nhưng lên pin rất chậm.
Gần khu vực chờ ra máy bay có quầy bán đồ ăn, thức uống giá cả cũng hợp lý (tầm 7USD tới 15USD), có thể mua dùng nếu như phải chờ đợi lâu, vì một số chuyến bay khởi hành từ các sân bay lớn của Hoa Kỳ hay bị trễ chuyến đặc biệt vào giờ cao điểm.
United Airlines Boeing 737-900ER N62892. Ảnh: Đỗ Gia Huy
Chuyến bay UA511 của mình được bay với tàu bay Boeing 737-900ER được giao mới toanh cho hãng với số đăng bạ N62892 được hơn 1 năm tuổi. United Airlines (UA) hiện đang khai thác khoảng 325 tàu bay Boeing 737 nói chung và gần 150 tàu Boeing 737-900ER nói riêng (tính tại thời điểm được viết) chuyên phục vụ các tuyến bay nội địa và khu vực. Mình bay 3 chuyến với United thì toàn được đi máy bay mới.
Thời gian lên tàu bay là 4:30 chiều, nhưng tại khu vực chờ bay, nhân viên mặt đất thông báo lại là 5:30 chiều vì lý do chung chung như sân bay hiện đang trong tình trạng “kẹt xe” nên máy bay bị hoãn chuyến. Cuối cùng mình đã được leo lên máy bay vào đúng 7h tối.
Cũng như các sân bay khác, trước cổng ra máy bay của nhà ga UA đều có 1 bàn dịch vụ mặt đất để hỗ trợ khách hàng. Việc xếp hàng lên máy bay tuy đã được phân theo khu vực (zone) nhưng vẫn xảy ra tình trạng xếp hàng tràn lan tại hành lang chung.
Chiếc 737-900ER thế hệ mới của UA được trang bị nội thất “Boeing Sky Interior” gần giống trên Boeing 787 Dreamliner. Nội thất máy bay đẹp cũng giúp hành khách có 1 cảm giác thoải mái hơn. Tuy nhiên khoảng cách giữa 2 ghế cũng như lối đi khá chật và gây bất tiện cho những người bản xứ vì họ “đô con”, nhưng đối với mình mọi thứ đều ổn.
Hoàng hôn phi trường thủ đô Washington D.C, lúc này đã 7:15 tối. Ảnh: Đỗ Gia Huy
Tạp chí cũng như thẻ hướng dẫn an toàn bay được đựng trong hộp chứa trước chỗ ngồi.
Tiếp viên hướng dẫn an toàn bay trước khi chuyến bay khởi hành. Khác với 1 số chuyến bay có màn hình giải trí được trang bị sẵn video hướng dẫn an toàn bay, chuyến bay của mình được tiếp viên thực hiện theo kiểu truyền thống.
Sau 40 phút lăn trên đường lăn, cuối cùng thì máy bay đã được cất cánh vào 8h tối (theo giờ địa phương), nhưng chính vì máy bay cất cánh trễ nên mình đã chụp được cảnh hoàng hôn trải dài trên thân cánh.
Đa số các tàu bay Boeing 737 của United đều sử dụng loại cánh cong đời mới “Split-scimitar” giúp giảm tiêu thụ nhiên liệu.
Sau khi máy bay đạt đủ độ cao, tầm 15 phút sau khi máy bay cất cánh, khoang máy bay chuyển sang đèn xanh nhẹ hơn để hành khách nghỉ ngơi, lúc này tiếp viên bắt đầu phục vụ. Trên các chuyến bay nội địa Hoa Kỳ, hành khách chỉ được phục vụ miễn phí bịch snack nhỏ, nước suối, nước trái cây và nước ngọt không cồn. Các loại nước có cồn cũng như thức ăn đều được bán với giá không phải chăng chút nào.
Vì là chặng ngắn chỉ vỏn vẹn 1 tiếng 30 phút bay nên chuyến bay chỉ bán đồ uống và các loại bánh snack chứ không bán thức ăn nóng. Tất cả các giao dịch mua bán trên chuyến bay đều sử dụng thẻ tín dụng và không sử dụng tiền mặt.
Mình chọn Coca và nước cam cho hành trình này, thay vì được một suất ăn miễn phí như Vietnam Airlines cũng như một số hãng hàng không giá đủ khác của Châu Á. Ở tất cả các hãng hàng không giá đủ Hoa Kỳ, hãng sẽ không phục vụ thức ăn miễn phí trên các chặng nội địa, thay vào đó hãng sẽ bán thức ăn trên chuyến bay (thức ăn nóng chỉ được bán trên chắc chặng nội địa trên 2 tiếng 30 phút).
Wifi trên chuyến bay chỉ được sử dụng miễn phí khi truy cập Unitedwifi.com và trang này được mặc định mở ra khi vào duyệt web. Website này cung cấp các thông tin về chuyến bay như hành trình bay, thời gian và điều kiện thời tiết. Ngoài ra nếu muốn sử dụng các dịch vụ internet khác thì phải trả phí để sử dụng.
Máy bay đang chuẩn bị tiếp cận sân bay quốc tế Chicago O’Hare, phía khu vực ô vuông không có đèn là sân bay Chicago-Midway chuyên phục vụ cho hãng hàng không Southwest và các hãng trong khu vực.
Sau 1h30′ bay và 2 tiếng châm chuyến, cuối cùng mình đã đến với sân bay lớn thứ 3 Hoa Kỳ.
Tranh thủ chụp lại vài kiểu ảnh của khoang tàu bay Boeing 737-900ER làm kỉ niệm, để chụp được tấm hình thế này thì mình chính là hành khách cuối cùng rời khỏi chuyến bay.
Chuẩn bị băng qua hầm để đến với khu vực lấy hành lý.
Trong lòng con đường hầm dẫn từ nhà ga vệ tinh về nhà ga chính của United. Mình không kí gửi hành lý mà chỉ xách tay nên cứ đi vèo vèo ra tới cổng luôn.
Vì nhà ga đến đông khách nên mình di chuyển lên khu vực đi thuận tiện cho việc đưa đón gia đình. Thời tiết lúc này vào khoảng 18-20 độ C. Xin chào Chicago!
Video về chuyến bay
Đánh giá chuyến bay UA511
-
Dịch vụ United Airlines tại sân bay đi và đến
-
Khởi hành đúng giờ
-
Độ thoải mái trong khoang
-
Đồ ăn
-
Giải trí/tiện ích trên chuyến bay
-
Tiếp viên
Tóm tắt
Hãng hàng không: United Airlines
Chặng bay: Washington DC (IAD) đi Chicago (ORD)
Chuyến bay: UA511
Máy bay: Boeing 737-900ER
Hạng phổ thông
***Chúng tôi đã đánh giá chuyến bay như thế nào? Xem các tiêu chí đánh giá trải nghiệm chuyến bay của Yêu Máy Bay tại đây.