Airbus A340: Nắng ấm xa dần

Airbus A340 là một trong số ít những loại máy bay mà bạn có thể dễ nhìn thấy và có thể nhận ra ngay. Chiếc phi cơ “bốn máy” nhưng chỉ có một tầng này được bay những chuyến đầu tiên vào cuối năm 1991, khoảng thời gian không có nhiều máy bay 4 động cơ được sử dụng.

Cho đến nay điều này vẫn đúng, ngoại trừ Boeing 747 hay Airbus A380 đều có 2 tầng, hình ảnh những chiếc A340-200/300/500 một tầng 4 động cơ, hay những chiếc “bút chì bay” A340-600 với thân dài đằng đẵng luôn là những hình ảnh độc đáo khi bạn bắt gặp chúng trong nhà ga hoặc đang hạ cánh tại một sân bay thành thị nào đó.

Airbus A340 – một tầng bốn máy – Ảnh: Long Ethan

Tuy nhiên, 4 chiếc động cơ này ngoài mang đến ngoại hình độc cho A340, chúng lại ngốn khá nhiều nhiên liệu. Dần về cuối của thập niên 2000, các hãng hàng không dần chuyển sang sử dụng các loại máy bay 2 động cơ với hiệu năng cao hơn như Airbus A330 hay Boeing 777. Hơn nữa là sự ra đời Boeing 787 và Airbus A350 đã khiến cho việc bán A340 của Airbus trở nên khó khăn hơn.

Và cuối cùng vào 10-11-2011, khoảng 20 năm sau ngày đầu tiên cất cánh, Airbus chính thức ngưng sản xuất dòng máy bay đẹp và độc này với lý do “Để theo đuổi một thị trường năng động hơn” – nói cách khác là do không còn đơn đặt hàng nào cho Airbus A340 nữa. Airbus đã tuyên bố A350 sẽ trở thành “người kế nhiệm” cho Airbus A340 trên phân khúc chuyên bay đường dài.

Airbus A340-300 của China Airlines chuẩn bị cất cánh về Đài Bắc – Ảnh: Travip

Những ngày đầu của A340 rất đẹp, khi đó chứng chỉ ETOPS (chuyên để bay đường dài vượt đại dương) mới chỉ áp dụng có máy bay có 2 động cơ, do đó A340 được coi là an toàn hơn các loại máy bay khác khi bay vượt đại dương. Vào thời điểm thập niên 1990, hành khách (và đôi khi là chính hãng hàng không) đều khá mệt mỏi khi nghĩ đến việc bay vượt đại dương với các loại máy bay 2 động cơ vì lo sợ về mặt an toàn. Nhưng rồi công nghệ càng ngày càng phát triển, độ tin cậy cũng như mức độ tiêu thụ nhiên liệu của động cơ cũng ít đi, các hãng hàng không dần ngưng sử dụng A340 để chuyển sang những chiếc Boeing 777 2 động cơ với khả năng kinh tế và an toàn cao hơn. Với các chuyên gia, sự ra mắt của Boeing 777, đặc biệt là 777-200LR gần như đã chính thức đưa A340 vào quên lãng.

“Đạp khói” dưới nắng chiều – Ảnh: Travip

Airbus A340 có tổng cộng 379 đơn đặt hàng, trong đó nhiều nhất là phiên bản A340-300 với 218 chiếc đã được giao. Trong 3 phiên bản còn lại, nổi bật hơn cả là -500 và -600. Trong khi phiên bản A340-500 có thể bay quãng đường dài nhất lên đến 16.700km thì phiên bản A340-600 lại có hình dáng độc nhất với thân máy bay thon dài, được mệnh danh là The Flying Pencil – Bút chì bay. Ngày nay còn khoảng hơn 200 chiếc Airbus A340 vẫn còn đang sải cánh trên bầu trời, nhưng những chiếc máy bay “1 tầng 4 máy” này đang dần đến tuổi “nghỉ hưu”, hoặc bị các hãng ngưng khai thác do không có lợi về kinh tế.

Face to face – Ảnh: Travip

Tuy vậy, ngày nay vẫn còn nhiều hãng tiếp tục sử dụng Airbus A340 và không có ý định thay thế chúng. Trong đó đặc biệt là Lufthansa (LH), hãng sử dụng nhiều A340 nhất. Thay vì thay A340 bằng một số loại máy bay cạnh tranh khác, LH lại chọn cách thay đổi lựa chọn về động cơ, cải thiện hiệu suất một cách tối đa trong mức có thể để tiếp tục khai thác. Bên cạnh đó với mạng bay rộng lớn của mình, LH đã chọn ra những đường bay mà A340 vẫn có thể mang lại lợi nhuận. 

Turkish Airlines, một trong số ít những hãng vẫn đang sử dụng Airbus A340 – Ảnh: Travip

Bên cạnh Lufthansa, một số hãng vẫn còn sử dụng nhiều A340 nổi bật là South African Airways, Iberia, Swiss International Airlines và Air France,… Hai hãng sử dụng A340 bay đến nước ta nhiều nhất là China Airlines và Cathay Pacific. Trong khi China Airlines đang khai thác 3 chiếc A340 cuối cùng trong đội thì với kế hoạch trẻ hóa đội bay, Cathay Pacific sẽ bay chuyến A340 thương mại cuối cùng vào cuối tháng 3 này.

Swiss Airbus A340 hạ cánh tại Changi, Singapore – Ảnh: Long Ethan

Một “bút chì bay” của Etihad đang lăn về bãi tại Tân Sơn Nhất – Ảnh: Travip

Máy bay với màu sơn “OneWorld” của Cathay Pacific cất cánh khỏi SGN – Ảnh: Long Ethan

Airbus A340 phần lớn được sử dụng trên các tuyến bay dài, nhằm tối ưu hóa khả năng và mang lại lợi nhuận cao nhất. Trước đây, nổi bật trong đó là chặng SQ21 từ New York đi Singapore, SQ37 từ Los Angeles đi Singapore và TG793 từ New York đi Bangkok.

Các chặng này đều sử dụng Airbus A340-500, trong đó chặng bay SQ21 từ New York đi Singapore vẫn giữ danh hiệu chặng bay dài nhất thế giới khi đi qua hơn 15.300km và mất gần 19 tiếng thời gian bay. Ở thời điểm SQ21 bắt đầu khai thác, Airbus A340-500 là máy bay duy nhất trên thế giới có khả năng thực hiện chặng bay này. Do đó Singapore Airlines đã rất cố gắng để tiếp tục khai thác chặng bay này, mặc dù đã làm lại cabin của những chiếc A340-500 thành toàn bộ ghế hạng thương gia để đảm bảo lợi nhuận. Tuy nhiên vào tháng 11-2013, SQ đã chính thức ngưng khai thác đường bay này.


Nằm kế bạn “Bút chì bay” Airbus A340-600 của Thai Airways – Ảnh: Travip

Bên cạnh khai thác thương mại, A340 rất được yêu thích khi nói đến khai thác tư nhân, cho các chính phủ hoặc quân đội, phân khúc mà việc tiêu hao nhiên liệu không thực sự là một vấn đề. Và khi người ta không còn lo nhiều đến việc “hao xăng” nữa, thì A340 trở thành một “người vận chuyển” đắc lực. Không quá to lớn như Boeing 747, mắc tiền như 777-200LR, A340 lại còn được bán ra với những mức giá tốt hơn do các hãng “muốn đẩy đi càng nhanh càng tốt” để thay thế bằng các máy bay thế hệ mới hơn.

Chiếc A340 của Không Quân Đức chạy đà cất cánh tại SGN – Ảnh: Long Ethan

Một số điển hình về việc sử dụng A340 cho các hoạt động chính phủ và quân sự như một cặp Airbus A340-300 đã được Không Quân Đức nhận từ Lufthansa nhằm phục vụ vận chuyển các tướng trong quân đội cũng như các thành viên chính phủ của Đức đi công du các nước trên thế giới. Đội vận chuyển của Không quân Pháp cũng sử dụng Airbus A340 làm phương tiện vận chuyển chiến lược trong việc triển khai quân hoặc các nhiệm vụ viện trợ, tiếp tế. Một chiếc A340-200 khác được vận hành bởi hoàng gia Brunei với tổ bay của Lufthansa chuyên dùng chở các thành viên trong hoàng gia Brunei. Một đội bay hoàng gia khác cũng sử dụng A340 là đội bay của Qatar – Qatar Amiri Flight với 1 chiếc A340-200, 1 chiếc -300 và chiếc -600.


Cận cảnh chiếc A340 của Không Quân Đức – Ảnh: Long Ethan

Airbus A340 của Không Quân Pháp – Ảnh: Long Ethan

Việc A340 sẽ dần ít đi trong tương lai là điều không tránh khỏi. Để ngắm nhìn các máy bay “1 tầng 4 máy” này hay những chiếc “bút chì bay” trên khắp thế giới cũng không hẳn là một điều khó. Tuy nhiên cơ hội để được trải nghiệm cùng các chuyến bay cùng A340 sẽ ít đi rất nhiều. Chúng ta hãy cố gắng thưởng thức và tận hưởng cảm giác bay trên những chiếc A340 này nhiều nhất có thể nhé !

Một số hình ảnh bên trong khoang của Airbus A340:


Ghế hạng thương gia của Emirates trên tàu A340 – Ảnh: Travip

Màn hình IFE trên Airbus A340 của Emirates chặng bay từ Dubai đi Seychelles – Ảnh: Travip


Màn hình IFE bên trong khoang của Sri Lankan Airlines – Ảnh: Travip

Wingview từ A340 của Sri Lankan Airlines khi bay qua Maldives – Ảnh: Travip

Một số hình ảnh đẹp khác của Airbus A340 do team Yêu Máy Bay chụp được.

Airbus A340 của Emirates cất cánh từ Dubai. Ảnh: Travip.


Logo đẹp và sặc sỡ của Sri Lankan Airlines – Ảnh: Travip

Finnair Airbus A340 với màu sơn “OneWorld” chuẩn bị hạ cánh tại Tân Sơn Nhất – Ảnh: Long Ethan

Một chiếc A340-300 của China Airlines bị “bắt gặp” tại sân bay Soekarno-Hatta, Jakarta – Ảnh: Travip


Hình dáng không thể nhầm lẫn của A340 – Bay vào nắng chiều – Ảnh: Travip


Bộ càng đáp đặc biệt có thêm một cặp bánh ở giữa của A340 – Ảnh: Long Ethan


Bút chì bay! – Ảnh: Travip


Livery đặc biệt “Marimekko Unikko” của Finnair – Ảnh: Long Ethan

A340 của Etihad vừa cất cánh từ Abu Dhabi. Ảnh: Travip

Khép lại bài tổng hợp với một chiếc A340 của Etihad cất cánh từ sân bay Abu Dhabi (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất), ngang qua khách sạn Yas Viceroy Abu Dhabi – Ảnh: Travip

Nhận xét bài viết

bình luận