Chung một liên minh (4): Liên minh giá rẻ Value Alliance

Với các liên minh hàng không chúng ta thường thấy, các thành viên đa phần là các hãng hàng không truyền thống lớn, có bề dày lịch sử và đã hoạt động rất nhiều năm. Sau đó, những hãng hàng không giá rẻ thuộc sở hữu của các hãng hàng không lớn này sẽ được thêm vào liên minh dưới dạng các hãng liên kết (affiliate).

Tuy nhiên, bên cạnh dạng liên kết này, hiện nay trên thế giới có hai liên minh hàng không với các thành viên chỉ bao gồm các hãng hàng không giá rẻ. Hôm nay tiếp tục loạt bài “Chung một liên minh”, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về Value Alliance, liên minh hàng không giá rẻ lớn nhất thế giới hiện nay.

Nok Air là một trong tám thành viên của Liên minh Value – Ảnh: Long Ethan.

Value Alliance được thành lập vào ngày 16-05-2016 với 8 hãng hàng không thành viên. Đây là liên minh hàng không đầu tiên được thành lập theo dạng “Liên minh hàng không khu vực” với 8 thành viên toàn bộ đến từ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Value Alliance hiện là liên minh đứng thứ 4 trên thế giới dựa trên số lượng hành khách, chuyến bay, đội bay và điểm đến, xếp sau Star Alliance, SkyTeam và Oneworld.

Thành viên:

Value Alliance có 8 hãng hàng không thành viên, đều là các hãng thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong đó có 2 thành viên TigerAir, 3 thành viên thuộc Nok/Scoot Air và 3 thành viên còn lại là Cebu Pacific, Jeju Air và Vanilla Air.

Cebu Pacific – “Đại diện” của Philippines tại Value Alliance – Ảnh: Dũng Nguyễn

1. Tigerair Singapore

Tigerair Singapore, tiền thân là Tiger Airways, là hãng hàng không giá rẻ có trụ sở tại Singapore và đã hoạt động từ năm 2003. Hiện nay, Tigerair thực hiện các chuyến bay từ Singapore đến 38 điểm đến, trong đó gần ⅓ số lượng điểm đến là tại Trung Quốc.

Một chiếc Airbus A320 của Tigerair chuẩn bị hạ cánh tại Tp.HCM – Ảnh: Long Ethan

Airbus A320 chiếm gần như toàn bộ đội bay của Tigerair – Ảnh: Dũng Nguyễn

Đồ ăn mua trên máy bay Tigerair. Ảnh: Travip

Khoang máy bay Airbus A320 của TigerAir. Ảnh: Travip.

2. Tigerair Australia

Tigerair Australlia (trước đây là Tiger Airways Australia) được thành lập vào năm tháng 3-2007 dưới dạng một hãng liên kết hoạt động tại Úc của Tiger Airways. Sau khoảng gần 6 năm hoạt động, Virgin Australia mua lại 60% cổ phần của Tiger Airways Australia, đổi tên và nhận diện thương hiệu của hãng thành Tigerair Australia. Vào năm 2014, Virgin Australia chính thức mua lại 40% cổ phần còn lại của hãng để trở thành nhà sở hữu chính thức của Tigerair Australia. Mặc dù đã thuộc sở hữu hoàn toàn của Virgin Australia, nhưng Tigerair Australia vẫn được giữ lại tên hãng và tiếp tục được phép thực hiện các chuyến bay dưới tên gọi Tigerair cho đến nay.

3. Nok Air

Nok là hãng hàng không giá rẻ của Thái Lan với mạng bay phần lớn bao gồm các đường bay nội địa. Hãng chỉ có 3 đường bay quốc tế trong đó có 2 đường bay đến Việt Nam là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, đường bay còn lại là đi Yangon, Myanmar. Nok Air có trụ sở chính tại Bangkok với điểm trung chuyển lớn nhất là Sân bay Quốc tế Don Muang, sân bay chuyên dành cho các hãng giá rẻ lớn nhất thế giới năm 2015.


Những chú chim Nok đầy sắc màu – Ảnh: Đỗ Trần Huy

Nok Air chỉ có ba đường bay quốc tế, trong đó có hai đường bay đến Việt Nam – Ảnh: Long Ethan, Đỗ Trần Huy

Tàu bay De Havilland Canada DHC-8-402Q Dash 8 của Nok Air. Ảnh: Suparat Chairatprasert

4. Scoot Air

Scoot là hãng hàng không giá rẻ chuyên bay đường dài của Singapore, hãng thuộc sở hữu toàn bộ bởi Singapore Airlines. Scoot hiện đang thực hiện các đường bay từ tầm trung trở lên như từ Singapore đi các điểm đến tại Trung Quốc, Úc, Nhật Bản, Đài Loan, … Dù là hãng hàng không giá rẻ nhưng Scoot Air lại sở hữu một đội bay trẻ và hiện đại bao gồm 10 chiếc Boeing 787 Dreamliner (5 chiếc 787-8 và 5 chiếc 787-9).


Đội bay trẻ của Scoot với các tàu bay Dreamliner hiện đại – Ảnh: Long Ethan, Đậu Tiến Đạt


Màu sơn đặc biệt “SG50” kỷ niệm 50 năm thành lập đảo quốc Singapore – Ảnh: Đỗ Trần Huy


Một chiếc Boeing 787-8 của Scoot đang hạ cánh tại Singapore – Ảnh: Đậu Tiến Đạt

5. Nok Scoot

Nok Scoot là hãng hàng không giá rẻ liên doanh giữa Nok Air và Scoot Air. Cũng tương tự như Scoot, Nok Scoot chỉ chuyên phục vụ các đường bay từ tầm trung đến đường dài với Hub chính là sân bay Quốc tế Don Muang. Cho đến nay, Nok Scoot có 7 điểm đến, trong đó có 6 điểm tại Trung Quốc và điểm đến còn lại là tại sân bay Quốc tế Đào Viên, Đài Loan. Hãng có đội bay gồm 3 chiếc Boeing 777-200ER với sức chứa lên đến 415 ghế, trong đó có 24 ghế hạng ScootBiz (tương đương với hạng phổ thông đặc biệt).

NokScoot trên bầu trời. Ảnh: Suparat Chairatprasert.

NokScoot tại sân bay Don Muang, Thái Lan. Ảnh: T.P.

6. Cebu Pacific

Cebu Pacific có trụ sở đặt tại Sân bay Quốc tế Ninoy Aquino, Thủ đô Manila, Philippines. Cebu Pacific là hãng có đội bay lớn nhất liên minh Value Alliance với 59 máy bay, trong đó có 7 chiếc Airbus A330 chuyên phục vụ bay đường dài đi Úc, Kuwait, Qatar, UAE và Saudi Arabia. Các loại máy bay còn lại bao gồm Airbus A319, A320 và ATR 72 chuyên phục vụ các điểm đến nội địa Philippines cũng như các điểm đến thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Airbus A320 là đội bay chủ lực của Cebu Pacific – Ảnh: Tuấn Đỗ

Bên cạnh đó là đội Airbus A330-300 chuyên sử dụng cho các đường bay dài – Ảnh: Đậu Tiến Đạt

Màu sơn đặc biệt “Henann Resort Bohol” của Cebu Pacific chụp tại Philippines – Ảnh: Dũng Nguyễn


Một chiếc Airbus A319 của Cebu Pacific – Ảnh: Tuấn Đỗ

7. Jeju Air

Jeju Air là hãng hàng không giá rẻ có trụ sở đặt tại thành phố Jeju, đảo Jeju, Hàn Quốc. Đây cũng là hãng hàng không giá rẻ đầu tiên tại nước này, ban đầu được thành lập nhằm khai thác các chuyến bay từ đảo Jeju đi các điểm đến nội địa Hàn Quốc như thủ đô Seoul và thành phố Busan. Với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ, Jeju Air ngày càng thực hiện nhiều chuyến bay xuất phát từ hai Hub là Sân bay Quốc tế Incheon và Sân bay Quốc tế Busan đi nhiều điểm đến quốc tế như Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines, Đài Loan,… Tại Việt Nam, Jeju Air hiện đang khai thác hai đường bay xuất phát từ thủ đô Seoul đến Hà Nội và Đà Nẵng đều với tần suất một chuyến mỗi ngày.

Jeju Air có đội bay toàn bộ là Boeing 737-800 – Ảnh: Đậu Tiến Đạt

Một màu sơn đặc biệt của Jeju Air – Ảnh: Dũng Nguyễn

Trên bầu trời Đà Nẵng. Ảnh: Phạm Bảo Anh.

8. Vanilla Air

Vanilla Air là hãng hàng không giá rẻ của Nhật Bản, thuộc sở hữu toàn bộ của All Nippon Airways. Hãng thực hiện các đường bay từ sân bay Quốc tế Tokyo Narita đi 10 điểm đến trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương bao gồm Nhật Bản, Đài Loan, Philippines, Hong Kong và Việt Nam. Vanilla Air có tiền thân là AirAsia Japan sau khi tập đoàn AirAsia ngưng đầu tư vào hãng liên kết tại Nhật Bản này. All Nippon Airways khi đó từ cổ đông lớn trở thành nhà sở hữu toàn bộ AirAsia Japan. Ngay sau đó, ANA thay đổi hoàn toàn tên hãng và nhận diện thương hiệu của AirAsia Japan trở thành Vanilla Air, nâng cấp đội bay từ 2 chiếc A320 lên thành 10 chiếc, chuyên phục vụ các điểm đến trong nước và quốc tế. Hiện nay Vanilla Air có một đường bay đến Tp.Hồ Chí Minh thông qua điểm trung chuyển là sân bay Đào Viên, Đài Loan.


Tàu bay Airbus A320 Sharklet của Vanilla Air tại Tp.HCM – Ảnh: Travip

Tiếp viên hướng dẫn an toàn trên chuyến bay của Vanilla Air. Ảnh: Travip

Tiếp viên chào hành khách xuống máy bay. Ảnh: Travip

Bữa ăn mua trên máy bay. Ảnh: Travip

Lợi ích cho hành khách:

Việc thành lập liên minh mang đến lợi ích cho hành khách với việc khách có thể đặt chỗ cho các chuyến bay thuộc cả 8 hãng hàng không thành viên nhưng chỉ cần thông qua website của một hãng. Với việc chỉ đặt chỗ tại website của một hãng hàng không thành viên bất kỳ, hành khách có thể đặt vé với nhiều chặng, sử dụng nhiều dịch vụ cũng như tiện ích của nhiều hãng thành viên khác nhau. Tính đến hết năm 2015, Value Alliance đã vận chuyển hơn 47 triệu hành khách thông qua mạng lưới 160 điểm đến, phủ gần ⅓ mạng bay trên toàn thế giới.  

Mời cả nhà đọc lại loạt bài “Chung một liên minh” tại đây:

Phần 1: Những tàu bay Skyteam
Phần 2: Ngôi sao Star Alliance
Phần 3: Những tàu bay OneWorld

Nhận xét bài viết

bình luận