Hàng không Việt đoạt nhiều giải tại World Travel Awards 2020
|Bất chấp tình hình dịch bệnh hoành hành trong năm nay, ngành hàng không và du lịch vẫn phải tìm cách thích nghi với hoàn cảnh mới cũng như hoàn thiện dịch vụ của mình. Năm nay, các hãng hàng không và sân bay của Việt Nam tiếp tục gặt hái được nhiều giải trong khuôn khổ Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards), một giải thưởng ra đời vào năm 1993 với mục tiêu vinh danh các nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất trong ngành công nghiệp dịch vụ, du lịch và lữ hành.
Cho đến nay, World Travel Awards được công nhận rộng rãi như một chứng nhận uy tín và được coi như giải Oscar của ngành dịch vụ. Các hãng hàng không nào của Việt Nam đoạt giải năm nay? Hãy bắt đầu theo thứ tự Alphabet nhé!
BAMBOO AIRWAYS
Đầu tiên là Bamboo Airways. Năm nay hãng hàng không non trẻ này đoạt giải Hãng hàng không khu vực hàng đầu châu Á năm 2020. Điều đáng nói, đây là năm thứ 2 liên tiếp Bamboo Airways đoạt giải thưởng này. Trước đó, giải thưởng này được trao cho Bangkok Airways của Thái Lan năm 2011.
Với giải năm nay, Bamboo Airways đã vượt qua các ứng cử viên khác như ANA Wings – hãng con của All Nippon Airways của Nhật Bản, SilkAir – hãng con của tập đoàn Singapore Airlines, Sriwijaya Air của Indonesia và Vistara của Ấn Độ.
Bắt đầu cất cánh từ tháng 1-2019, Bamboo Airways đã nhanh chóng mở rộng đội tàu bay từ những chiếc A319, A320, A320neo, A321neo cho đến những tàu bay thân rộng như Boeing 787-9 Dreamliner và mới đây là những chiếc Embraer E195 phục vụ đường bay đi Côn Đảo và 1 số đường bay địa phương. Bamboo Airways cũng để lại dấu ấn với 2 phòng chờ riêng mang tên First Lounge ở sân baay Nội Bài và Côn Đảo.
Trước khi đại dịch bùng phát trên toàn cầu, Bamboo Airways có một số đường bay khu vực đến Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản.
Xem một số vlog về Bamboo Airways:
HẢI ÂU AVIATION
Kế đến là một hãng hàng không tuy chưa được biết đến rộng rãi nhưng lại có những sản phẩm dịch vụ độc đáo tại Việt Nam. Đó là hãng hàng không Hải Âu hay Hải Âu Aviation thuộc tập đoàn Thiên Minh hay TMG.
Năm nay cũng là năm thứ 2 liên tiếp Hải Âu Aviation đoạt giải Nhà điều hành thuỷ phi cơ hàng đầu châu Á, vượt qua các ứng cử viên Mehair Seaplane và Sea Bird cùng của Ấn Độ, Setouchi Seaplanes của Nhật Bản.
Hoạt động từ năm 2014, Hải Âu Aviation có dịch vụ bay ngắm cảnh độc đáo, đáng nói nhất là bay ngắm cảnh vịnh Hạ Long, một trải nghiệm mà ai cũng nên có trong đời. Hải Âu cũng có dịch vụ cho thuê nguyên chuyến với tàu bay Cessna Grand Caravan 208B-EX.
Tập đoàn TMG cũng được biết đến với các sản phẩm độc đáo khác ngoài thuỷ phi cơ như toa tàu sang trọng Victoria Express từ Hà Nội đi Lào Cai và sau đó trung chuyến đến Sa Pa, du thuyền Victoria Mekong Cruises, các du thuyền trên vịnh Hạ Long cùng nhiều cơ ngơi về lưu trú, nghỉ dưỡng dưới thương hiệu Victoria và ÊMM, TUI Blue Nam Hội An, trang đặt phòng khách sạn, vé máy bay, tour là ivivu.com.
VIETNAM AIRLINES
Cuối cùng là hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines. Năm nay, hãng gặt hái nhiều giải thưởng quan trọng là “Hãng hàng không hàng đầu Châu Á về bản sắc văn hoá”, “Hãng hàng không hàng đâu Châu Á về hạng Phổ thông” và “Hãng hàng không hàng đâu Châu Á về hạng Phổ thông đặc biệt”. Đây cũng là lần thứ năm liên tiếp Vietnam Airlines nhận được các giải thưởng của WTA ở cấp châu Á .
Về hạng mục hãng hàng không hàng đầu châu Á về hạng phổ thông, Vietnam Airlines đã đoạt các giải này vào năm 2016, 2019 và năm 2020. Trên 1 số đường bay nội địa và quốc tế, hành khách hạng phổ thông được phục vụ suất ăn kèm các tiện ích khác như hệ thống giải trí cá nhân tại ghế ngồi trên các tàu bay thân rộng như Boeing 787, Airbus A350, hệ thống wifi kết nối Internet trên 1 số tàu bay Airbus A350, hệ thống giải trí không dây trên 1 số tàu bay Airbus A321neo.
Bên cạnh hạng phổ thông đặc biệt trên các đường bay quốc tế, sự xuất hiện của hạng phổ thông đặc biệt nội địa trên đường bay giữa Hà Nội và TPHCM từ năm ngoái cũng đánh dấu sự ra đời của một sản phẩm độc đáo. Hành khách đi hạng phổ thông đặc biệt nội địa được phục vụ tiêu chuẩn gần như hạng thương gia, trong đó có việc vào quầy ưu tiên làm thủ tục, tiêu chuẩn hành lý ngang với hạng thương gia, được mời vào phòng chờ hạng thương gia, được ưu tiên lên máy bay, được phục vụ suất ăn theo tiêu chuẩn hạng thương gia với giá vé đắt hơn hạng phổ thông linh hoạt một chút nhưng rẻ hơn hạng thương gia. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp Vietnam Airlines đoạt giải Hãng hàng không hàng đầu châu Á về hạng phổ thông đặc biệt.
Xuất ăn Hạng Phổ thông Đặc biệt trên đường bay TP. Hồ Chí Minh – Hà Nội vào giờ ăn tối.
Đối với hạng mục “Hãng hàng không hàng đầu Châu Á về bản sắc văn hoá”, hồi năm 2016, Vietnam Airlines cùng từng đoạt giải này.
SÂN BAY VÂN ĐỒN
Không chỉ các hãng hàng không, một sân bay ở Việt Nam cũng đoạt 2 giải thưởng quan trọng. Sân bay Vân Đồn hay tên đầy đủ là Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn do Sun Group đầu tư xây dựng năm nay nhận 2 giải quan trọng của WTA là: Phòng chờ hạng thương gia hàng đầu châu Á và Sân bay khu vực hàng đầu châu Á.
Năm ngoái, sân bay Vân Đồn đã đoạt 2 giải là Sân bay mới hàng đầu châu Á và sân bay mới hàng đầu thế giới.
Chính thức đi vào hoạt động từ cuối tháng 12 năm 2018, Sân bay quốc tế Vân Đồn có kiến trúc ấn tượng, lấy cảm hứng từ vẻ đẹp của di sản thiên nhiên thế giới – Vịnh Hạ Long. Công trình mang đậm dấu ấn văn hóa bản địa, với mái vòm màu đỏ cam rực rỡ tựa những cánh buồm no gió xếp chồng lên nhau hướng ra biển lớn. Không gian bên trong nhà ga cũng tạo sự gần gũi và dễ chịu với nhiều không gian cây xanh, hồ cá koi cùng những bức tranh về phong cảnh địa phương. Đây cũng là sân bay quốc tế đầu tiên do một tập đoàn tư nhân đầu tư tại Việt Nam và hoàn thành chỉ sau 2 năm thi công xây dựng. Sân bay quốc tế Vân Đồn có thể đón tất cả các loại máy bay hiện đại như Boeing 787, với 7 vị trí đậu, trong đó 3 bãi đậu xa và 4 bãi đậu gần. Công suất nhà ga giai đoạn 1 là 2,5 triệu hành khách mỗi năm và dự kiến đạt 5 triệu khách/năm vào năm 2030.
Về phòng chờ hạng thương gia của sân bay, đây là một trong những phòng chờ đẹp nhất ở Việt Nam với không gian trông như 1 khách sạn 5 sao. Phòng chờ có đủ sảnh đón tiếp, khu vực phục vụ buffet, phòng hút thuốc, nhà vệ sinh và phòng tắm. Được biết, trang thiết bị phòng tắm và vệ sinh được nhập khẩu từ các thương hiệu hàng đầu khu vực và thế giới.
Còn các bạn thì sao? Các bạn yêu thích hãng hàng không nào, hạng ghế của hãng nào và sân bay nào? Hãy để lại bình luận để cùng chia sẻ nhé!